"Bí kíp" mua xe cũ và những bộ phận cần lưu ý

2014-10-22 08:54

Khi khả năng tài chính của bạn có giới hạn nhưng muốn sở hữu những xe "cũ người nhưng mới ta" ở phân khúc cao hơn. Hay bạn là những tay lái mới có bằng kinh nghiệm sử dụng còn "non" thì việc mua những chiếc xe cũ được xem khá là "kinh tế" và hợp lý. Nếu so với việc sở hữu những xe mới thì bạn không được áp dụng các chính sách bảo hành của hãng, có thể gặp các trường hợp rủi ro như: xe bị tai nạn, thuỷ kích,....bù lại bạn sẽ "tiết kiệm" được một khoản tiền khi có xu hướng lên đời cao hơn trong thời gian ngắn hay sẽ "đập hộp" một chiếc xe mới khi đã đủ kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình sử dụng xe.
Bài viết sẽ cho bạn những điều cần quan tâm khi lựa chọn xe cũ trên thị trường, những bộ phận quan trọng bạn cần lưu ý trong quá trình lựa chọn, kiểm tra để có thể mua được một chiếc xe tốt và giá cả hợp lý.

Những kinh nghiệm khi mua xe

 

Chọn xe như thế nào?
Đừng nghĩ mua xe 5 hay 7 chỗ không quan trọng, có thể về giá cả nó không quá chêch lệch và bạn thích mẫu mã hay sự rộng rãi. Điều đó là sai lầm vì chưa chắc bạn luôn ngồi đủ số người trong quá trình sử dụng, xe 7 chỗ thì tiêu hao nhiên liệu hơn, chiếm diện tích hơn so với xe 5 chỗ. Nên hãy chọn xe 5 chỗ nếu bạn còn độc thân hay gia đình nhỏ, chọn xe 7 chỗ nếu gia đình đông người và chọn xe bán tải khi cần phục vụ thêm việc chuyên chở, kinh doanh.
Ngoài ra, chọn những xe có "thương hiệu" sẽ giúp giữ giá và dễ thanh khoản khi bạn cần lên đời trong thời gian ngắn cũng góp phần tiết kiệm thêm ngân sách.

Hãy chọn xe phù hợp cho gia đình và công việc

Mua xe từ đâu?
Thông tin từ báo, website hay các đại lý mua bán xe cũ là nơi giúp bạn tìm mua xe đồng thời cũng làm bạn thêm nghi ngờ và bối rối. Hãy chọn đại lý lớn có uy tín (như cam kết xe chất lượng hay hoàn trả lại tiền nếu không đúng với thông tin), với các thông tin trên web nên tránh mua xe từ "cò" (chỉ cần search số ĐT là bạn sẽ kiểm tra được có phải "cò" hay không). Cách tốt nhất là mua xe chính chủ hay người quen (không qua trung gian) thì bạn sẽ có thông tin về giấy tờ, nguồn gốc có độ chính xác cao và thay vì nghe thông tin từ người bán thì bạn hãy tự kiểm tra hoặc nhờ những chuyên gia mà bạn tin tưởng.

Hãy chọn những đại lý có uy tín

Thời điểm xem xe
Nên xem xe vào buổi sáng để có thể nhìn rõ từng chi tiết, tránh xem vào buổi tối hay nơi thiếu ánh sáng. Hãy chắc chắn rằng chủ xe chưa khởi động máy để bạn tự kiểm chứng khả năng nổ máy của xe, máy nguội sẽ cho bạn biết nhiều điều hơn so với một chiếc xe đã nóng máy. Tốt nhất hãy dắt theo thợ lành nghề hay đưa vào hãng xe có uy tín để kiểm tra nếu bạn chưa có kinh nghiệm xem xe.

Kiểm tra giấy tờ
Các tài liệu như: hoá đơn gốc, số khung, số máy, nhật kí bảo hành, sổ bảo hành.....Một chiếc xe với lịch sử bảo dưỡng được lưu ở một Garage uy tín sẽ giúp bạn nắm rõ tất cả thông tin như: va chạm, số lần sửa chữa......là chiếc xe bạn nên mua.
Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra số VIN (Vehicle Identification Number) sẽ giúp bạn biết được nơi và thời gian sản xuất xe, loại động cơ, kiểu xe, thứ tự sản xuất....

Lái thử xe
Bạn có thể yêu cầu lái thử để tự mình cảm nhận. Hãy khởi động xe từ lúc máy nguội, tắt hết nhạc, chạy xe trên mọi loại đường nếu có thể (lên dốc, xuống dốc), kiểm tra khả năng tăng tốc, chuyển số, bẻ lái khi vào cua, giảm sóc khi vào đường gồ ghề....Một chiếc xe còn tốt hay không máy móc là phần quan trọng nhất.

Tránh bị áp lực từ người bán
Đừng nên nghe những lời hoa mỹ từ chủ xe và bị tác động tâm lý từ người ngoài ở các salon hay đại lý (một số đại lý còn thuê "cò" đóng giả khách hàng làm bạn bị dao động trong quá trình chọn xe). Tránh tình huống bị chủ xe ép mua khi bạn chưa thực sự ưng ý và không để dân buôn "thổi giá". Hãy tìm hiểu và tham khảo giá cả từ những người có kiến thức về xe hay các trang đánh giá xe uy tín.....để biết giá trị thật sự cũng như ưu/nhược của từng loại xe. Luôn nhớ câu: "Tiền nào của đó" đừng ham mua rẻ mà hối hận.

Giấy tờ mua bán và thương lượng giá
Xe cũ không hề có một mức giá chuẩn nào nên bạn đừng ngại ngùng trả giá để có thể mua với mức giá tốt nhất góp phần thêm tiết kiệm ngân sách. Khi lập giấy tờ mua bán cần ghi rõ cần ghi rõ ngày mua bán, số km đã đi để tránh trường hợp bạn phải chịu trách nhiệm khi có vấn đề trước thời điểm bạn mua xe. Mua được một chiếc xe cũ tốt là cả một kì công.

Những bộ phận cần lưu ý khi mua xe cũ

 

Thân xe: đây là điều đầu tiên bạn cần kiểm tra khi tiếp cận một chiếc xe cũ. Nước sơn, độ cong/phẳng của thân xe hay gỉ sét là những yếu tố bạn có thể nhận thấy bằng mắt thường qua đó đánh giá sơ được tuổi thọ hay độ bền của xe.


Lốp xe: với việc tua công-tơ-mét không còn quá phức tạp để "chiêu dụ" khách hàng rằng chiếc xe đó rất ít đi thì việc kiểm tra lốp phần nào giúp bạn xác định thời gian và quãng đường chiếc xe trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra độ bền, áp suất của lốp xe xem còn đủ tiêu chuẩn hay cần phải thay mới không góp phần vào yếu tố thương lượng giá.

Hệ thống giảm xóc: hãy lái xe trên đủ mọi địa hình có thể để kiểm tra độ êm ái, phản ứng vì đây cũng là hệ thống khá quan trọng.
Đèn xe: bộ phận này rất cần thiết cho xe trong quá trình di chuyển ban đêm. Hãy kiểm tra đèn pha trước/sau, đèn phanh, đèn tín hiệu và thử nghiệm độ sáng, độ chiếu xa.

Bảng điều khiển: đây là thiết bị hiển thị đầy đủ thông tin về tình trạng của xe khi sử dụng. Hãy kiểm tra tất cả các nút bấm dù là nhỏ nhất hay màn hình cảm ứng cần chính xác để chắc chắn rằng hệ thống xe vẫn hoạt động trơn tru.

Hệ thống nhiệt, quạt gió và điều hoà không khí của xe HVAC (Heating, Ventilation & Air Conditioning): đối với một quốc gia có khí hậu như Việt Nam thì việc kiểm tra kĩ hệ thống này là điều cần thiết khi mua xe cũ.
Két làm mát, ống dẫn: đây là bộ phận đầu tiên dễ dàng kiểm tra bên dưới nắp ca-pô để xác định chủ cũ có thường xuyên quan tâm, chăm sóc xe hay không, nên kiểm tra thêm đường ống dẫn mát và các lá tản nhiệt.
Dầu nhớt: dầu bôi trơn động cơ cũng như "máu" của chiếc xe, nếu không xe sẽ không đạt hiệu suất cao và máy móc nhanh giảm tuổi thọ. Hãy kiểm tra dung tích, chất & lượng dầu nhớt của xe.

Chọn dầu nhớt tốt sẽ giúp xe vận hành luôn ổn định và bền bỉ

Động cơ: thời gian khởi động máy, tiếng máy có "mượt" và êm hay không sẽ giúp bạn phát hiện thêm các vấn đề của động cơ. Sử dụng đồng hồ kiểm tra lực nén sẽ giúp bạn biết được áp lực mà xi-lanh tạo ra có đủ tiêu chuẩn hay không.

Ống xả: hãy đạp ga thật mạnh để kiểm tra lượng khói thải ra là nhiều hay ít sẽ giúp bạn nhận biết rằng xe thiếu dầu hoặc lâu ngày chưa thay dầu hay không. Đặc biệt những chiếc xe có ống xả cũ có khả năng bị thủng bất cứ lúc nào trong khi sử dụng.
Hộp số: cần được thử nghiệm ở nhiều tốc độ (đặc biệt là xe số sàn) để kiểm tra khả năng sang số có thật sự mượt mà không. Đây là bộ phận quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành của xe.
Phanh: yếu tố an toàn luôn đặt lên hàng đầu khi bạn lựa chọn xe. Hãy thử phanh ở nhiều điền kiện và mặt đường để đảm bảo rằng hệ thống thuỷ lực, má phanh, đĩa phanh đều đạt tiêu chuẩn.

(Theo Đánh giá xe)

Trở lại